Ngắm ‘phiên bản phố cổ’ đẹp nhất ở Hội An sau 25 năm nhận danh hiệu di sản UNESCO

Nhiều người tới Hội An nhầm lẫn tuyến phố bên kia sông Hoài là phố cổ. Tuy nhiên đó chỉ là một ‘phiên bản tiệm cận’ phố đi bộ được ra đời từ một khu nhà chồ của dân vạn chài.

Ngắm 'phiên bản phố cổ' đẹp nhất ở Hội An sau 25 năm nhận danh hiệu di sản UNESCO - Ảnh 1.
Các tuyến phố ở bờ nam sông Hoài (một nhánh của sông Thu Bồn đoạn chảy qua Hội An). Khu vực này thuộc vùng 2 của phố cổ Hội An, không thuộc trung tâm phố cổ – Ảnh: B.D.

Nói về Hội An sau 25 năm từ ngày UNESCO ghi danh Hội An trong danh sách Di sản văn hóa thế giới (4-12-1999), ông Nguyễn Văn Sơn, chủ tịch UBND thành phố Hội An, cho biết nhờ di sản mà cộng đồng Hội An thay đổi bộ mặt.

Từ làng chài thành phố du lịch sầm uất

Cũng nhờ sức hút của di sản, thành phố Hội An đã giải tỏa, quy hoạch thành công một khu nhà chồ lụp xụp của cư dân vạn đò, người lao động ở bên kia sông Hoài.

An Hội, Đồng Hiệp giờ sầm uất, và gần như sáng đèn suốt ngày đêm đón khách du lịch. Người ở xa tới khi đi tản bộ dọc sông Hoài trên phố Nguyễn Phúc Chu sẽ rất khó nhận ra đây không phải là phố cổ, mà chỉ là “một phiên bản tiệm cận của phố cổ”.

Ngắm 'phiên bản phố cổ' đẹp nhất ở Hội An sau 25 năm nhận danh hiệu di sản UNESCO - Ảnh 2.
Nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam, phố cổ Hội An cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía nam. Khu phố cổ thuộc địa phận của phường Minh An với diện tích khoảng 2km². Phố cổ Hội An nằm trên các trục đường chính sát với bờ sông như đường Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Phan Châu Trinh, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Lê Lợi… – Ảnh chụp màn hình Google Maps
Ngắm 'phiên bản phố cổ' đẹp nhất ở Hội An sau 25 năm nhận danh hiệu di sản UNESCO - Ảnh 3.
Khu chợ đêm kết hợp ẩm thực, tham quan mua sắm ở bờ nam sông Hoài – Ảnh: B.D.

Theo chủ tịch UBND thành phố Hội An, giai đoạn năm 2005, khi Hội An thu hút khách khắp thế giới đổ về thưởng lãm không gian di sản, nhận thấy khu dân cư lụp xụp bên kia sông Hoài nếu được giải tỏa, quy hoạch đẹp thì sẽ tạo ra sinh kế lớn cho cộng đồng.

thành phố Hội An quyết tâm giải tỏa và phải mất thời gian rất dài. Sau khi phố làm xong, nhiều người về lại và thậm chí không nhận ra chính nơi mình đã ở.

Phiên bản tiệm cận của phố cổ Hội An

Ngắm 'phiên bản phố cổ' đẹp nhất ở Hội An sau 25 năm nhận danh hiệu di sản UNESCO - Ảnh 4.
Chợ đêm Hội An trên đường Nguyễn Phúc Chu phía bên kia sông thuộc khu vực 2 của phố cổ Hội An, không thuộc vùng lõi của phố cổ – Ảnh chụp màn hình Google Maps

“Quần thể nhà cổ Hội An chỉ gói gọn trong khoảng không gian nhỏ, nhưng bất cứ quy hoạch nào cũng phải bám vào không gian phố cổ để không phá vỡ cảnh quan.

Khi giải tỏa và bố trí lại không gian Đồng Hiệp, An Hội, thành phố cũng quy định rõ chỗ nào được làm nhà bê tông, chỗ nào phải dùng kết cấu gỗ, ngói âm dương đặc trưng Hội An.

Từ đó tất cả lối đi, nhà cửa, khu lưu trú hay nhà hàng… đều có yếu tố tương đồng, tiệm cận nhất với hình ảnh Hội An.

Hiện nay khách đi từ bên phố cổ qua cầu An Hội thì không gian tương đồng, tiếp nối nhau đồng điệu.

Người dân ở bên kia cầu An Hội hiện nay sống chủ yếu nhờ du lịch, đời sống bà con rất khấm khá. Đây là một dự án giải tỏa, quy hoạch rất thành công mà Hội An thực hiện được” – ông Sơn nói.

Ngắm 'phiên bản phố cổ' đẹp nhất ở Hội An sau 25 năm nhận danh hiệu di sản UNESCO - Ảnh 6.
Trung tâm phố đi bộ ở bờ bắc và các vùng phụ cận – Ảnh: B.D.

Di sản Hội An tròn 25 năm được UNESCO ghi danh

Ngày 4-12-1999, đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận trong mạng lưới Di sản văn hóa thế giới.

Sáng 4-12, tại chương trình gặp mặt kỷ niệm 25 năm Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá rằng Hội An là ví dụ tiêu biểu nhất trong việc thể hiện quyết tâm bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Thành công của bảo tồn di sản Hội An có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính quyền và sự đồng thuận của cộng đồng.

Nguồn trích dẫn: Thái Bá Dũng – Tuoitre.vn

Viết bình luận

Your email address will not be published.